Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG SUY THOÁI VỀ CHÍNH TRỊ CỦA CÁN BỘ ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY

Theo từ điển tiếng Việt thì suy thoái là ở tình trạng suy yếu và kém sút dần, có tính chất kéo dài. Như vậy có nghĩa là suy thoái tình trạng giảm sút, sút kém dần những phẩm chất, chất lượng so với những chuẩn mực tốt nhất đã đạt được. Sự suy thoái ít khi lên “cơn cấp tính” mà thường diễn ra từ từ, thầm lặng, trong một quá trình lâu dài nên không dễ biết. Suy thoái thường xảy ra từ một hoặc vài bộ phận, từ một nhóm người nào đó rồi lan dần ra, kéo bộ phận khác suy yếu theo. Do vậy suy thoái là quá trình biến đổi ngày càng xấu đi về lượng, từ từ dẫn đến sự biến đổi về chất, là sự biến mất, tan rã, chuyển hóa từ chất này sang chất khác theo chiều hướng ngày càng xấu hơn.

Thuật ngữ “suy thoái tư tưởng chính trị” được Đảng ta chính thức sử dụng lần đầu tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII (tháng 2/1999). “Đây là khái niệm khái quát những hiện tượng, những biểu hiện tiêu cực, không bình thường đã và đang diễn ra trong tư tưởng một bộ phận cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng trong điều kiện hiện nay”.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục nhận định: “Tình trạng tham nhũng, thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng”. Từ khái niệm, về suy thoái và những đánh giá về tình hình suy thoái tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên, cho chúng ta thấy suy thoái về tư tưởng chính trị là sự biến đổi, thay đổi về phẩm chất chính trị của mỗi con người, mỗi tổ chức theo chiều hướng xấu dần đi từ thiếu hiểu biết đến phai nhạt lý tưởng, “lệch chuẩn”, xa rời các nguyên tắc quan điểm của Đảng, của giai cấp công nhân và lâu dài có thể dẫn đến sự thay đổi hoàn toàn bản chất tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của mỗi con người. Sự suy thoái tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay tuy mức độ nặng nhẹ, đậm nhạt có khác nhau, nhưng tựu trung đều bộc lộ dưới dạng: nhẹ thì ngại học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, tự bằng lòng với những nhận thức đơn  giản mơ hồ về chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và các đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, dao động, phai nhạt về lý tưởng, mục tiêu và con đường phát triển đất nước, mơ hồ về bản chất giai cấp công nhân của Đảng; không chấp hành nghiêm túc kỷ luật Đảng, kỷ cương của Nhà nước. Nặng thì thiếu tin, phủ nhận thành quả cách mạng và giá trị truyền thống dân tộc; cơ hội chính trị, chủ nghĩa cá nhân… Đi đến tán phát tài liệu, truyền bá quan điểm sai trái, đi ngược cương lĩnh, điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật trở thành tác nhân, điều kiện cho các thế lực thù địch thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình và tự diễn biến. Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, biến chất về phẩm chất, đạo đức, lối sống trở thành kẻ phản bội là vấn đề không thể không xảy ra. Thực tiễn lịch sử không thiếu những ví dụ về sự từ thoái hóa về đạo đức, lối sống dẫn đến biến chất về tư tưởng chính trị mà trở thành kẻ phản động, phản bội lại lợi ích của cách mạng, của dân tộc và nhân dân. Nếu cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất giữ cương vị càng cao thì càng nguy hại cho cách mạng.

Suy thoái tư tưởng chính trị là hết sức nguy hiểm, nguy cơ làm giảm sút uy tín, ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Song nó có phát triển đến mức làm biến chất XHCN của chúng ta được hay không, có làm cho những nguyên tắc, quan điểm của Đảng bị chệch hướng, lệch chuẩn hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào chính chúng ta, những cán bộ, đảng viên, các tổ chức của Đảng; vào khả năng đề kháng và sức mạnh của cơ thể XHCN, của các tổ chức Đảng, của mỗi một cán bộ đảng viên. Lênin đã từng nói “không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta”. Do vậy đánh giá đúng tình hình, xác định đúng nguyên nhân và có những  giải pháp cụ thể kiên quyết khắc phục có hiệu quả tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên là vấn đề vừa mang tính cơ bản, vừa mang tính cấp bách ở nước ta hiện nay.      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét