Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

NHẬN DIỆN CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI ĐẤU TRANH TƯ TƯỞNG, LÝ LUẬN CHỦ NGHĨA MÁC- LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRÊN CÁC PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG HIỆN NAY

       Phương tiện thông tin đại chúng được hiểu là những phương tiện giúp tiếp cận, truyền bá thông tin tốt nhất đến quảng đại quần chúng - xã hội. Phương tiện thông tin được coi là đại chúng khi nó trở nên quen thuộc, hữu ích về mặt thông tin với đa số quần chúng và được họ sử dụng thường xuyên trong một khoảng thời gian dài. Đó có thể là báo chí truyền thanh, truyền hình, viễn thông, internet…
Đây là những phương tiện để truyền bá thông tin đến quảng đại quần chúng. Đồng thời, Phương tiện thông tin đại chúng còn là phương tiện giao tiếp, kết nối, trao đổi thông tin, tư tưởng… giữa các thành viên trong xã hội một cách thuận tiện, trực tuyến mà có thể không cần phải trực tiếp tiếp xúc. Do đó, phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng viễn thông, internet – sản phẩm đặc trưng của cuộc cách mạng công nghệ thông tin và truyền thông, trở thành công cụ tuyên truyền, quảng bá thông tin nói chung ngày càng trở nên phổ biến, quan trọng, tiện lợi… phục vụ cho các mục đích và lợi ích khác nhau.
Có thể nói, ngày nay có đủ các loại thông tin thật - giả, đúng – sai, tốt – xấu… đều có thể được truyền tải, lưu trữ, truy cập khai thác trên mạng internet. Chính điều này tạo ra sự hấp dẫn, tiện ích, phong phú, phổ biến… của những thông tin được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, song cũng có thể dẫn đến sự “choáng ngợp”, ngộ nhận, nhiễu loạn, phân tâm, mất phương hướng… của đối tượng tiếp nhận trước những thông tin dày đặc, liên tục trên các phương tiện truyền thông hiện đại. Lợi dụng đặc tính này, các thế lực thù địch đã và đang triệt để sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống truyền thông – internet (dưới dạng các chương trình phát thanh, truyền hình, các trang web, blog, mạng xã hội…) để thực hiện mưu đồ truyền bá những thông tin phản động, xấu độc được ngụy trang, “đội lốt” tinh vi, hòng phủ nhận Chủ nghĩa Mác – Lê Nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đề cao những học thuyết, giá trị tư sản, lối sống thực dụng; xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tung tin thất thiệt, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao; kích động, chia rẽ gây hoang mang, nghi ngờ, mất đoàn kết nội bộ; khoét sâu vào những khó khăn, hạn chế, khuyết điểm của ta… để vu cáo, đổ lỗi nguyên nhân của hạn chế là do sự lỗi thời của học thuyết Mác – Lê nin, sự sai lầm về đường lối lãnh đạo, của chế độ một Đảng, của con đường XHCN… nhằm tạo sự bất mãn, mất niềm tin của người dân, thúc đẩy làn sóng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kết hợp với sự chống phá của các thế lực từ bên ngoài tiến tới xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam.
Từ góc độ tiếp cận như vậy có thể thấy, đấu tranh tư tưởng, lý luận trên phương tiện thông tin đại chúng là một bộ phận quan trọng của cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị, tư tưởng, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để truyền tải liên tục, kịp thời đến đông đảo quần chúng nhân dân những vấn đề lý luận cơ bản nhằm bảo vệ, bổ sung, phát triển những nguyên lý cơ bản, phổ biến của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam của cách mạng nước ta; bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, con đường mục tiêu XHCN… nghiên cứu, tổng kết luận giải đúng đắn, kịp thời những vấn đề thực tiễn nảy sinh trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN; đồng thời đấu tranh, bác bỏ những quan điểm sai trái, phản động, vạch trần những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch, những tư tưởng và hành vi cản trở công cuộc xây dựng CNXH trên đất nước ta…
Chính vì đó cần nhận diện các quan điểm sai trái đấu tranh tư tưởng lý luận chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cần chú ý một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, cần nhận diện rõ bản chất, nội dung và những phương thức, thủ đoạn chống phá mới của các thế lực thù địch trên các phương tiện thông tin đại chúng để nghiên cứu, tìm ra cách thức đấu tranh phòng chống hiệu quả. Bản chất và nội dung chống phá về tư tưởng, lý luận của các thế lực thù địch về cơ bản là nhất quán, song phương thức, thủ đoạn thì trở nên tinh vi, hiểm độc, đa dạng hơn và chúng thường biến hóa, ẩn nấp, đan xen lồng ghép với những thông tin tiến bộ, tích cực, khách quan chân thực hoặc vô hại, hay vờ công nhận một số luận điểm khoa học trong học thuyết Mácxit, đường lối quan điểm của Đảng ta… gây ra sự nhầm lẫn, mơ hồ, mất cảnh giác, biến đổi từ từ, nhẹ nhàng, “thẩm thấu tự nhiên” của đối tượng tiếp nhận và cuối cùng là sự thay đổi, chuyển hóa tư duy nhận thức, thái độ, lập trường của họ. Thậm chí có những vấn đề vốn sai trái, xuyên tạc, bóp méo… nhưng do được truyền tải liên tục, trên nhiều phương tiện, phương thức khác nhau khiến đối tượng tiếp nhận trở nên mơ hồ, lâu dần rồi mặc nhiên coi đó là sự thật.
Thứ hai, cần thấy được sự phát triển, biến đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, nhất là sự phát triển nhảy vọt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, cũng như khả năng ứng dụng vô cùng rộng lớn cùng những tác động đa chiều, nhiều cấp độ, thậm chí là hậu quả khôn lường của nó trong đời sống xã hội. Sở dĩ phải chú ý vấn đề này bởi trong thực tế lịch sử, sự phát triển của công nghệ vốn là thành tựu của văn minh nhân loại, thước đo trình độ khám phá, làm chủ tự nhiên của con người; song không phải bao giờ, lúc nào những thành tựu đó cũng được ứng dụng vì mục đích tiến bộ, mà không phục vụ cho những mưu đồ xấu xa, tàn bạo khi xã hội loài người còn tồn tại quá nhiều những nhóm lợi ích khác biệt.
Thứ ba, khác với các phương thức truyền bá thông tin truyền thống trước đây, đối tượng, phạm vi, mức độ tác động của những thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là internet rất rộng lớn, nhanh chóng, cập nhật, dễ dàng tiếp cận và tương tác (mọi lúc, mọi nơi, miễn là có wifi, sóng điện thoại di động), gây hiệu ứng dư luận xã hội mạnh, thậm chí tạo ra những trào lưu, hành động bốc đồng, bùng phát như các cuộc “cách mạng màu”. Ở đây có một vấn đề cần chú ý là, đối tượng có thể tiếp nhận thông tin, lý luận từ phương tiện thông tin đại chúng rất đông đảo với trình độ nhận thức, động cơ, thái độ tiếp nhận rất khác nhau; tuy nhiên, lực lượng đông đảo nhất chính là giới trẻ ưa khám phá, dễ dàng tiếp cận tri thức, công nghệ mới, song bản lĩnh chính trị, trình độ nhận thức lý luận khoa học, kinh nghiệm thực tiễn… lại có phần hạn chế hơn so với bộ phận còn lại trong xã hội. Đây chính là đối tượng chủ yếu để các thế lực thù địch nhằm đến tác động, “thẩm thấu”, giành giật “con tim, khối óc”, làm thay đổi, chuyển hóa nhận thức, thái độ, ý chí, niềm tin của bộ phận đông đảo “chủ nhân tương lai của đất nước” đối với chế độ xã hội chủ nghĩa.   
Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chiến đấu và tính thuyết phục trong các công trình nghiên cứu đấu tranh lý luận trên phương tiên thông tin đại chúng.Về mặt tổ chức, cần hình thành bộ phận chuyên trách với một cơ cấu thống nhất, phù hợp, tập trung trí tuệ nghiên cứu xây dựng hệ thống luận cứ đấu tranh có cơ sở khoa học rõ ràng xung quanh những vấn đề lý luận cơ bản, trọng tâm mà các thế lực thù địch đang tập trung chống phá, xuyên tạc. Đồng thời, luôn bám sát thực tiễn, đúc kết, luận giải kịp thời những vấn đề bức xúc, phức tạp của thực tiễn đặt ra, góp phần thống nhất nhận thức, bác bỏ các luận điệu lừa dối, xuyên tạc, những nhận định thiếu căn cứ trong các luận thuyết của các thế lực thù địch. Chỉ có dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn xác đáng, được truyền bá một cách sâu rộng, thì lý luận cách mạng mới tạo được niềm tin, chỗ đứng vững chắc trong quần chúng, góp phần quan trọng “miễn dịch” trước những luận điệu sai trái và thù địch.
Năm là, đa dạng hóa các loại hình, phương thức truyền bá, bảo đảm tính đại chúng, linh hoạt, hấp dẫn, dễ hiểu… của các nội dung thông tin lý luận cơ bản trên các phương tiên thông tin đại chúng; lồng ghép nội dung truyền bá lý luận với các nội dung thông tin đa dạng khác trên các phương tiên thông tin đại chúng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin tri thức khoa học, công nghệ, văn hóa, đời sống… của nhân dân. Coi trọng việc tìm tòi, xây dựng các nội dung, chương trình hoạt động, tạo nhiều “sân chơi” hấp dẫn, phong phú, bổ ích để vận động, lôi cuốn, tập hợp giới trẻ thông qua việc sáng tạo các phương thức mới mẻ, với sự trợ giúp của công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại, bảo đảm vừa thỏa mãn nhu cầu khám phá của tuổi trẻ, vừa truyền tải được những thông tin lý luận cách mạng, lại góp phần phòng chống được việc tiếp cận các thông tin xấu độc, phản động trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cần nghiên cứu hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước đối với lĩnh vực truyền thông đại chúng đi đôi với tăng cường lực lượng, phương tiện vật chất và công nghệ phục vụ cho công tác quản lý lĩnh vực này. Ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta cần phải nhận diện tốt các quan điểm sai trái đấu tranh tư tưởng, lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần bảo vệ quan điểm đường lối của Đảng, bảo vệ thành quả của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh.
                                                                                                       Trần Ngọc Tam


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét