Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

ĐẨY MẠNH ĐẤU TRANH CHỐNG “DIỄN BIẾN HOÀ BÌNH” TRÊN LĨNH VỰC TƯ TƯỞNG VĂN HOÁ

Hiện nay, các thế lực thù địch đang điên cuồng chống phá cách mạng Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực và bằng mọi thủ đoạn vô cùng thâm độc, nham hiểm, xảo quyệt và tinh vi. Trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá việc đẩy mạnh tiến công, xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bóp méo đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam; ráo riết thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và “xâm lăng văn hóa” hòng gây hỗn loạn về lý luận – tư tưởng, xói mòn niềm tin, tiến tới xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa và bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam là chủ trương được các thế lực thù địch đặc biệt coi trọng.

Để hiện hoá chủ trương trên, các thế lực thù địch đã tiến hành liên tục, lặp lại hàng loạt biện pháp, như: Viết sách, dựng phim trắng trợn bịa đặt, vu cáo, nói xấu Hồ Chủ Tịch với ảo vọng “tẩy trừ huyền thoại Hồ Chí Minh”; tăng cường phát tán băng, đĩa các bộ phim có nội dung bạo lực, đồi trụy, triệt để tận dụng mọi điều kiện, đặc biệt là thông qua các phương tiện thông tin, tuyên truyền kích động lối sống thực dụng xa rời bản sắc dân tộc, tha hoá thế hệ trẻ; khoét sâu những tiêu cực về đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, lợi dụng một số yếu kém trong quản lý của chúng ta gần đây để quy chụp, xuyên tạc, kích động, chia rẽ... Thâm độc hơn nữa là chúng đứng ra tổ chức, xúi dục, kích động, cổ vũ  các hoạt động xung đột sắc tộc, tôn giáo sau đó lại lu loa vu khống Đảng, Nhà nước ta vi phạm nhân quyền, dân chủ.
Cần thấy rằng, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá giữa tiến bộ và phản động ở nước ta đã diễn ra và sẽ ngày càng gay gắt, phức tạp. Bởi lẽ: Một mặt, các thế lực thù địch, phản động không từ bỏ ý đồ chống phá; mặt khác, bản thân sự nghiệp cách mạng cũng không thể tránh khỏi những sai lầm, vấp váp trên con đường phát triển.
Trên thực tế, các thế lực thù địch đã công khai tuyên chiến với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. “Diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá - mũi nhọn đột phá mà các thế lực thù địch đang ráo riết thực hiện đã có những ảnh hưởng xấu đến tình hình tư tưởng chính trị ở nước ta: Một số cán bộ, đảng viên, quần chúng hoang mang, dao động, giảm sút lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng; thờ ơ trước các sự kiện chính trị, thiếu tích cực đấu tranh chống các luận điệu sai trái và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Một bộ phận trong xã hội nhất là thanh thiếu niên có biểu hiện lối sống thực dụng, sùng bái nước ngoài, coi thường văn hoá dân tộc, gây nguy hại cho thuần phong, mỹ tục; bản sắc văn hoá dân tộc đứng trước nguy cơ bị xói mòn, pha trộn.
Hơn bao giờ hết, phải đẩy mạnh đấu tranh chống “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá.
Phải công khai vạch trần bộ mặt thật của các thế lực thù địch: đó là những phần tử kiên quyết chống phá cách mạng mà tư tưởng “chống cộng” đẫ ăn sâu vào tâm khảm họ trở thành căn bệnh nan y khó lòng cứu chữa; phụ hoạ cho bộ phận này là một số người hám lợi, bất mãn chế độ; đằng sau họ, hậu thuẫn vật chất và tinh thần là các thế lực phản động quốc tế.
Phải tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm cho mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ nguy hại của diễn biến hoà bình trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá; thấy rõ: vu khống, chống đối sự phát triển đi lên của cách mạng Việt Nam không những vi phạm độc lập, dân quyền mà còn chà đạp các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của một dân tộc.
Cùng với việc quảng bá những thành công về mặt kinh tế – chính trị xã hội cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền sâu rộng những chuẩn mực, giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc, những tấm gương mẫu mực về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ưu tiên ấn hành, xuất bản và tuyên truyền mạnh mẽ những tác phẩm văn học nghệ thuật giàu tính giáo dục, định hướng tư tưởng chính trị, tính chiến đấu và tính nhân văn. Tính toán, chọn lọc kỹ lưỡng việc quảng bá các sản phẩm văn hoá nước ngoài cũng như tổ chức thực hiện các hình thức hoạt động văn hoá mang dáng dấp “ngoại hoá” theo tinh thần “tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại”; không thể vì lợi ích kinh tế trước mắt, hay chạy theo thị hiếu nhất thời của một bộ phận xã hội mà lạm dụng, gây nguy hại cho việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Nghiêm túc xem xét, đẩy mạnh việc quản lý các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trong đó việc nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết nghề nghiệp cũng như năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực tổ chức, quản lý cho những người đứng đầu các cơ quan tuyên truyền giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng.
Phải tăng thời lượng, số lượng, tần số thông báo việc xử lý những hành động gây rối, vi phạm chủ quyền, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch chống Nhà nước Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân trong nước và nhân dân thế giới thấy rõ tính chất dân chủ, lòng nhân đạo cũng như  thái độ, hành động kiên quyết, dứt khoát của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước và tiến bộ xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Gặp mỗi vấn đề ta phải đặt câu hỏi. Vì sao có vấn đề này? Xử trí thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng, chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy”*. Lời dạy của Bác luôn nhắc nhở chúng ta, khi hoạch định một chủ trương, chính sách, xây dựng một kế hoạch hoặc tổ chức thực hiện đều phải cân nhắc, tính toán hết sức khoa học, chu đáo, cẩn thận, hạn chế đến mức thấp nhất những sai lầm thiếu sót, tạo kẽ hở cho các lực lượng thù địch tiến công chống phá cũng là biện pháp đấu tranh chống diễn biến hoà bình có hiệu quả nhất. 
Tuy thâm độc, nham hiểm, xảo quyệt và tinh vi, song do tính chất phi nghĩa cũng như những toan tính đầy phiêu lưu, mạo hiểm và hoang tưởng, mũi nhọn đột phá “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá của các thế lực thù địch nhất định bị bẻ gãy.                                                  




* H Chí Minh, Toàn tp, Tp 5, Nxb CTQG, HN, 2001, tr 240.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét