Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

TQ SỢ ẤN ĐỘ LÊN TIẾNG LÀM BẼ MẶT TẠI HỘI NGHỊ G20

Mưu đồ của Trung Quốc đẩy hàng loạt “củ cà rốt” về phía Ấn Độ nhằm khiến nước này im tiếng tại hội nghị G20 tới đây nhiều khả năng sẽ không thành hiện thực.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới sẽ là cơ hội độc nhất với Trung Quốc để thể hiện rằng nước này có “ý định tốt” với vai trò chủ nhà có trách nhiệm. Để chuẩn bị cho G20, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tới thăm Ấn Độ nhằm bàn bạc chiến lược với người đồng cấp.
Theo ông Vương, Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt được đồng thuận rằng cả hai sẽ ủng hộ lẫn nhau trong hội nghị sắp tới ở Hàng Châu, Trung Quốc. Sau đó ít lâu, Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi BRICS cũng sẽ tổ chức ở Goa, Ấn Độ.
Trung Quốc, giống nhiều quốc gia đang phát triển khác, muốn thể hiện mình là “cường quốc có trách nhiệm” trên trường quốc tế. Hội nghị G20 và BRICS có tầm quan trọng chiến lược trong ý định xây dựng thế giới đa cực của Trung Quốc. Năm 2014, Trung Quốc được trao chức chủ tịch G20 trong hội nghị ở Brisbane, Úc. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chủ trì một “diễn đàn cấp cao hợp tác kinh tế thế giới”.
G20 là vũ đài quan trọng cho Trung Quốc thu hút sự chú ý và đẩy mạnh hình ảnh “đầy trách nhiệm” của mình tới thế giới. Thông qua việc hăng hái tham gia các diễn đàn như G20 và nhóm BRICS, Trung Quốc đang tìm kiếm sự thay đổi với mô hình quản lý kinh tế toàn cầu truyền thống, trước giờ chỉ tập trung vào hệ thống Bretton Woods.
Hội nghị Bretton Woods diễn ra ở Bretton Woods, bang New Hamshire, Mỹ năm 1944 ra quyết định thống nhất mức tỷ giá cố định cho các đồng tiền chính và cho phép ngân hàng trung ương được can thiệp vào thị trường tiền tệ. Hệ thống Bretton Woods quy định một ounce vàng có giá 35 USD. Bắc Kinh tham vọng muốn áp dụng mô hình mới ở diễn đàn các nước mới nổi BRICS và Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB).
Với tầm quan trọng tuyệt đối như vậy, Bắc Kinh đã đổ rất nhiều tiền của cho công tác chuẩn bị. Trong nước, Trung Quốc chi gần 100 tỉ USD để sửa sang sân vận động, tổ chức các cuộc họp quốc tế, bố trí an ninh và chỉnh trang đô thị. Với quốc tế, Trung Quốc đang tìm cách đạt được sự ủng hộ rộng rãi ở hội nghị G20 lần này nhằm tránh bị chỉ trích gây phương hại tới hình ảnh “tốt đẹp” của Trung Quốc ở trong và ngoài nước.
Là một thành viên G20, Ấn Độ được xem là đối thủ kinh tế và chính trị của Trung Quốc trong khu vực và trường quốc tế. Vấn đề nhạy cảm nhất hiện hai giữa hai quốc gia là mâu thuẫn Biển Đông. Ấn Độ dưới thời chính quyền Thủ tướng Narenda Modi luôn thể hiện quan điểm tán thành với Mỹ về “tự do lưu chuyển và hàng hải quốc tế” ở Biển Đông. Philippines coi Ấn Độ là một đồng minh quan trọng nhằm hạn chế sự ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc tin rằng các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, sẽ nói về mâu thuẫn Biển Đông tại hội nghị G20 nhằm làm bẽ mặt Bắc Kinh, đặc biệt sau phán quyết vụ kiện lịch sử hôm 12.7. Để tránh bẽ bàng, Trung Quốc rất cần một sự đảm bảo từ Ấn Độ sẽ không đề cập tới vấn đề Biển Đông ở hội nghị sắp tới.
Kế sách ngoại giao mà Trung Quốc lựa chọn với Ấn Độ không gì hơn là “cây gậy và củ cà rốt”. Ngoại trưởng Vương Nghị cũng có nhiều lời lẽ mang tính hăm dọa trong chuyến thăm đầy ẩn ý tới New Delhi. Ông Vương nói rằng hội nghị G20 sắp tới chẳng khác gì diễn đàn BRICS: nếu Ấn Độ nhắc tới vấn đề Biển Đông, Trung Quốc sẽ có biện pháp trả đũa tại BRICS. Đây là “cây gậy” mà Trung Quốc chìa ra với Ấn Độ.
Ngược lại, “củ cà rốt” mà ông Vương Nghị hứa sẽ là hỗ trợ tư cách thành viên cho Ấn Độ tại Nhóm Các nhà cung cấp Hạt nhân nếu Ấn Độ hứa không đả động gì tới mâu thuẫn trên Biển Đông.
Tuy nhiên, cần biết rằng chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” của Trung Quốc không đảm bảo sự im lặng của Ấn Độ tại G20. Trước hết, “cây gậy” mà Trung Quốc đưa ra có vẻ vô hiệu. Dù ngoại trưởng Trung Quốc dọa dẫm trả đũa “một mất một còn” ở hội nghị nhóm BRICS nhưng cần biết rằng, đây cũng là vũ đài chính trị quan trọng mà Trung Quốc cần thể hiện “hình ảnh quốc tế cao đẹp”. Chưa kể Trung Quốc không thể biết chính xác lợi ích cốt lõi với Ấn Độ hiện nay là gì để ra chiêu bài đe dọa.
Dù Ấn Độ cần Trung Quốc giúp đỡ với xung đột với Pakistan ở khu vực Kashmir nhưng Trung Quốc cũng không thể thiếu sự hợp tác với New Delhi trong các vấn đề của Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương.
Ngoài ra, “củ cà rốt” của Trung Quốc không hấp dẫn với Ấn Độ. Chính quyền New Delhi muốn muốn mình là một con voi chứ không phải thỏ xơi cà rốt. Tham gia Nhóm Các nhà cung cấp Hạt nhân là tham vọng lớn của Ấn Độ, tuy nhiên xét về sự ủng hộ ít ỏi của quốc tế với tuyên bố phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, nước này nhiều khả năng sẽ nương theo Mỹ và lên tiếng phản bác Trung Quốc tại hội nghị G20.
Với Ấn Độ, mâu thuẫn Biển Đông là cơ hội lớn để liên kết các đồng minh trong khu vực nhằm tránh sự bành trướng của Trung Quốc với chính sách “một vành đai, một con đường”. Ấn Độ cũng đang tích cực tăng cường sức mạnh quân đội trong bối cảnh nhận thức Trung Quốc là một mối đe dọa thực sự với an ninh quốc gia. Ngoài ra, New Delhi liên kết chặt chẽ với các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.
Biển Đông là chủ đề nóng hiện nay ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương nên chắc chắn nó sẽ được bàn thảo trong kì hội nghị G20 lần này. Dù Trung Quốc muốn Ấn Độ “im tiếng” bằng kế sách “củ cà rốt” nhưng chuyến thăm của ông Vương lại thiếu đi nhiều biện pháp hữu hiệu. Điều Trung Quốc lo sợ nhất về sự lên tiếng của Ấn Độ nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét